TIN TỨC BỆNH VIỆN

CƠM BỆNH VIỆN: VÌ SAO BỆNH NHÂN THƯỜNG CẢM GIÁC ĂN KHÔNG NGON?
[ Cập nhật vào ngày (09/09/2018) ]
Cơm bệnh viện không ngon, vì sao?
Cơm bệnh viện không ngon, vì sao?

Nhắc tới cơm bệnh viện, chắc hẳn nhiều người thường nghĩ ngay đến những phần cơm ăn không ngon, không hợp khẩu vị. Do vậy, đa số người bệnh khi vào nằm viện phải nhờ người nhà mang cơm vào hoặc mua cơm bên ngoài ăn. Tư tưởng này có thật sự đúng hay không? Có rất nhiều nguyên nhân, chúng ta cùng nhau suy ngẫm…


  1. Có thể xuất phát từ tâm lý

Khi mới được chẩn đoán xác định về bệnh, đa phần bệnh nhân chưa hiểu hoặc thiếu thông tin về bệnh của mình đang mắc phải, từ đó có cảm giác lo sợ, hụt hẫng. Đôi khi còn nghi ngờ về kết quả khám cũng như các xét nghiệm ban đầu. Bệnh nhân sẽ tranh thủ tìm đến nhiều cơ sở y tế khác để khám, xét nghiệm lại để khẳng định điều này. Đây là giai đoạn tâm lý bị dao động, bệnh nhân chưa hoặc không hoàn toàn chấp nhận kết quả chẩn đoán với bệnh lý của mình. Quá trình này kéo dài trong vài ngày, vài tuần, thậm chí 2-3 tháng.

Nhưng khi đã có 1 chẩn đoán xác định về bệnh của mình rồi, tâm lý người bệnh mạn tính luôn có cảm giác mình là gánh nặng của gia đình. Trong sinh hoạt hàng ngày, vui buồn lẫn lộn, vẻ mặt bên ngoài thì cười nói nhưng trong lòng thì rất lo lắng, suy nghĩ rất nhiều như: không biết bệnh mình có trị hết không, có ai bệnh giống mình không, biến chứng bệnh sau này ra sao, v.v… Từ đó cảm giác ăn uống không còn thú vị nữa, ăn để cho qua ngày qua bữa mà thôi, không còn cảm giác ngon miệng nữa như khi chưa biết bệnh.

Tâm lý của bệnh nhân cũng là nguyên nhân tạo ra cảm giác ăn không ngon. 

  1. Ăn không ngon vì bệnh tật

Khi bị bệnh, chức năng của một số cơ quan bị ảnh hưởng, biểu hiện ra ngoài bằng triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân có cảm giác ăn cơm không ngon miệng có thể mắc một trong những nhóm như bệnh về tim - phổi; bệnh ung thư đặc biệt là ung thư phổi và dạ dày; nhiễm trùng như trong trường hợp bệnh lao, bệnh AIDS; bệnh nội tiết như tuyến giáp trạng ác tính, bệnh tiểu đường; bệnh răng miệng;…. Một số người già cô đơn, không người thân hoặc mất người thân phần lớn đều rối loạn vị giác và khứu giác; hoặc nghiện rượu, nghiện chất...

Thực tế, đa phần bệnh nhân lớn tuổi thường có nhiều bệnh liên quan phối hợp nên việc điều trị càng khó khăn hơn. Đây cũng là vấn đề làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc ăn uống. Họ không cảm thấy thèm ăn, không có hứng thú khi nói đến việc ăn uống.

Một số triệu chứng lâm sàng của bệnh khiến bệnh nhân mất cảm giác thèm ăn. 

  1. Do tác dụng phụ của thuốc điều trị

Thường xảy ra ở nhóm bệnh nhân mới bắt đầu phác đồ điều trị hoặc bệnh nhân đã điều trị lâu ngày. Thuốc điều trị cũng là một phần gây ra tác dụng phụ trong đó có triệu chứng ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh. Những loại thuốc dùng liều cao cũng dẫn đến tình trạng tương tự. Ví dụ như thuốc trị bệnh tim, thuốc an thần, thuốc ngủ gây mất cảm giác thèm ăn. Vài loại thuốc điều trị parkinson gây khô miệng (cogentin, artane), khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn…

  1. Thức ăn ở bệnh viện rất quan trọng vì các thành phần dinh dưỡng đã được chuyên gia dinh dưỡng xây dựng chế độ ăn bệnh lý

Điều quan trọng cuối cùng chính là mỗi suất ăn nấu tại khoa Dinh dưỡng phải đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng cơ bản như: đạm, đường, chất béo, các vitamin và nguyên tố vi lượng. Mỗi khẩu phần ăn dù là bệnh thông thường hay bệnh đặc biệt, nhà bếp đều hạn chế sử dụng dầu mỡ nhất là mỡ động vật và chú trọng bổ sung vi chất, dưỡng chất từ cá và rau xanh.  

Mỗi nhóm bệnh lý sẽ được đầu bếp chế biến một công thức chế biến riêng cho phù hợp với chế độ điều trị mà bác sĩ lâm sàng đưa ra. Do vậy, chế độ ăn đôi khi không thể tuân theo khẩu vị thường ngày của bệnh nhân. Ví dụ: Trong khẩu phần ăn của bệnh nhân đái tháo đường thì hạn chế tinh bột (cơm gạo tẻ), phần ăn của bệnh nhân cao huyết áp được nấu rất ít hoặc không nêm muối, còn những bệnh nhân bị bệnh gout thì không có những thực phẩm giàu đạm như hải sản, các loại thịt đỏ, phủ tạng động vật, trứng gia cầm.

Cơm bệnh lý chú trọng vào thành phần dinh dưỡng hơn là gia vị.  

Chế độ ăn để điều trị có vai trò rất quan trọng trong phục hồi bệnh lý cũng như sức khỏe đồng thời đây cũng là phối hợp điều trị song song với điều trị bằng thuốc. Bởi vì thức ăn dinh dưỡng trong điều trị có tác động một phần đến nguyên nhân gây bệnh,  cơ chế điều hòa, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể.

Vì vậy việc tuân thủ và phối hợp tốt với bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho bệnh nhân giảm nhiều chi phí và cả thời gian nằm viện.




Bác sĩ Đỗ Hồng Nhan Theo Khoa Dinh Dưỡng

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức