TIN TỨC BỆNH VIỆN

PHẪU THUẬT PLIF ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CHÙM ĐUÔI NGỰA
[ Cập nhật vào ngày (11/11/2018) ]

Bệnh nhân N.V.T (53 tuổi) ngụ ở phường An Khánh, Tp. Cần Thơ nhập viện tại Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ theo đường cấp cứu vì những triệu chứng đau dữ dội vùng thắt lưng kèm yếu hai chân và rối loạn tiêu, tiểu. Đây là tình trạng rất nặng của bệnh lý cột sống vùng thắt lưng – cùng do sự chèn ép quá mức chùm đuôi ngựa của tủy sống hay gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa, một cấp cứu ngoại thần kinh thuộc loại phức tạp. Bệnh nhân có thể bị liệt vận động 2 chân kèm rối loạn tiêu tiểu không hồi phục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.


Hội chứng chùm đuôi ngựa là một định nghĩa y khoa cho một nhóm triệu chứng xuất hiện khi một số sợi thần kinh của chùm đuôi ngựa bị chèn ép hoặc tổn thương. Chùm đuôi ngựa là một bó sợi thần kinh xuất phát từ đoạn cuối của tủy sống (có hình dạng giống đuôi ngựa). Hội chứng này được xem là biến chứng nặng nề nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm lưng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải gánh chịu những cơn đau thắt lưng nặng nề, thậm chí dẫn đến mất khả năng lao động.

  • Suýt bị liệt vì điều trị trễ

Ca phẫu thuật hội chứng chùm đuôi ngựa cho bệnh nhân N.V.T. đã thành công ngoài mong đợi. Sau phẫu thuật một tuần, vùng thắt lưng bệnh nhân đã giảm đau nhiều và 2 chân bắt đầu có cảm giác trở lại. Tuy nhiên, hoạt động đi lại vẫn còn khó khăn, cần rất nhiều thời gian để hồi phục như cũ. Thấy khách đến thăm, ông T. nhờ con đỡ mình xoay người lại, gương mặt còn chút nhăn nhó vì đau, ông chia sẻ: “Cử động còn hơi đau! Chắc đợi khi nào rút ống thông tiểu thì mới đỡ hơn. Chân trái tôi cũng không còn cảm giác đau, tê bì như trước. Bác sĩ đã giải thích rõ bệnh của tôi có thể mất hơn 6 tháng mới khỏe được. Xuất viện rồi tôi sẽ đi tập vật lý trị liệu”.

Làm nghề chạy xe ôm hơn 20 năm nay, mọi hoạt động của ông N.V.T. luôn gắn liền trên chiếc xe máy. Do vậy, những cơn đau ở vùng thắt lưng dường như thường trực. Vì thờ ơ bỏ qua và cả hoàn cảnh gia đình khó khăn cho nên ông T. vẫn cắn răng chịu đựng. Mỗi khi bị tái đau ông T. rất khó chịu, thi thoảng ông lại đau nhức vô cùng, kéo dài cả tuần lễ. “Tôi phát hiện mình bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng khoảng 3 năm trước, trước đó tôi đã có những dấu hiệu đau nhức, khó chịu nhưng không đi khám” – ông T. chia sẻ thêm.

Khi cơn đau dần nặng lên đến mức không chịu nổi, từ vùng thắt lưng lan xuống chân rồi nằm bất động, ông T. đã nhập viện cấp cứu. Kết quả chụp MRI phát hiện ống sống L4-S1 bị hẹp, chèn ép các sợi rễ thần kinh nặng, gây triệu chứng đau dọc hai chân và rối loại tiêu, tiểu. Bác sĩ cảnh báo nếu không phẫu thuật và tiếp tục những công việc nặng nhọc thì bệnh nhân có nguy cơ bị liệt đôi chân vĩnh viễn vì dây thần kinh đã bị chèn ép nặng nề. 

Đây là bệnh lý hiếm gặp và ít ai nghĩ tới, chỉ phát hiện khi chụp MRI có tương phản cột sống thắt lưng. Bệnh nhân được ThS.BS Nguyễn Tấn Luông, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh trực tiếp phẫu thuật và theo dõi diễn tiến bệnh. Quá trình phẫu thuật hết sức khó khăn do tổn thương cột sống ở mức độ rất nặng, đặc biệt là bệnh nhân còn mắc thêm các bệnh lý nền như tăng huyết áp và đái tháo đường. “Bệnh nhân này đã được chỉ định phẫu thuật cố định cột sống và hàn khớp liên thân đốt sống thắt lưng cùng đường sau, lấy nhân đệm thoát vị, giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép (phẫu thuật PLIF). Rất may bệnh nhân phát hiện không quá trễ, tuy nhiên quá trình phẫu thuật cũng rất căng thẳng. Ê kíp đã rạch da đường giữa vùng cột sống thắt lưng khoảng 20cm, tách cơ cạnh sống bộc lộ các bản sống và các bao khớp 2 bên thoái hóa phì đại nhiều, lỏng lẻo và biến dạng. Các bác sĩ tiến hành cố định cột sống bằng các vít Titanium, lấy nhân đĩa đệm thoát vị và thay bằng đĩa đệm nhân tạo khác” – ThS.BS Nguyễn Tấn Luông, thông tin.

Trong quá trình phẫu thuật những trường hợp nặng như thế, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm cao, tay nghề vững, lựa chọn phương pháp mổ và giải ép đủ hiệu quả của sự chèn ép rễ thần kinh nặng để có khả năng hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt là bác sĩ phải chú ý nhiều đến những tổn thương các rễ thần kinh của tủy sống do đĩa đệm chèn ép. Nếu không, dễ dẫn đến những biến chứng nặng và tổn thương thần kinh không hồi phục sau này. Đối với những bệnh lý có hội chứng chùm đuôi ngựa đều được áp dụng phương pháp phẫu thuật này trong cả nước và thế giới.

  • Không khó trị nếu phát hiện sớm

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một bệnh thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là lứa tuổi từ 30-50 (chiếm khoảng 90%), ngoài ra người cao tuổi cũng dễ gặp phải căn bệnh này. Bệnh gây đau thắt lưng và có thể gây biến chứng nặng nề, thậm chí gây tàn phế nếu không được điều trị sớm và đúng phương pháp. Ngoài ca phẫu thuật của bệnh nhân N.V.T, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ từng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp tương tự. Trên thực tế, không ít trường hợp bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng than phiền về tình trạng đau nhức dữ dội, tê buốt ở khu vực cột sống lan xuống 2 chân, đi lại sinh hoạt hàng ngày khó khăn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hầu như chỉ khi thật sự không chịu nổi tình trạng đau đớn bệnh nhân mới tìm đến bác sĩ để chữa trị. Lúc này, nhiều bệnh nhân đã có những triệu chứng nặng nề như đau nhức nhiều, không đi lại được, mất cảm giác 2 chân, tiêu tiểu khó, teo cơ mông và cả 2 chân… gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị và khả năng hồi phục kém.

Mặt khác, nhiều bệnh nhân điều trị không đúng phương pháp như bó thuốc, châm cứu không đúng cách, uống thuốc thang không rõ loại, gây tốn kém về tài chính, thời gian điều trị thậm chí người bệnh còn phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng của việc điều trị không dựa trên cơ sở khoa học. Người bệnh tùy mức độ thoái hóa của cột sống, mức độ thoát vị nặng nhẹ của đĩa đệm mà có thể gặp nhiều khó khăn khác nhau trong công việc, trong hoạt động thể chất, sinh hoạt hằng ngày, thậm chí mất hẳn khả năng lao động và tàn phế.

“Với những bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý ở cột sống nên có chế độ làm việc, sinh hoạt hợp lý, không nên gắng sức, tránh những động tác cúi quá mức của cột sống. Khi có bất kỳ dấu hiệu như đau nhiều vùng cột sống thắt lưng, tê bì chân, teo cơ, hạn chế vận động, rối loạn tiểu tiện thì nên đến khám ngay, không được tự ý mua thuốc về uống, tự điều trị theo phương pháp dân gian mà hãy đến các cơ sở y tế đúng chuyên khoa để khám và có phương án điều trị phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nhân đã từng được chẩn đoán thoát vị mà làm công việc, lao động nặng, quá sức sẽ dễ bị thoát vị nặng hơn hay những vị trí gần kề” – ThBS. Nguyễn Tấn Luông đưa ra lời khuyên. 

Hiện nay, với các phương pháp phẫu thuật rất hiện đại, nếu bệnh nhân có các bệnh lý về cột sống và được các bác sĩ chuyên khoa khuyên cần can thiệp thì bệnh nhân đừng quá lo lắng, chần chừ không phẫu thuật, đi tìm các phương pháp điều trị khác. Điều đó sẽ làm lỡ khoảng thời gian quý báu của việc phẫu thuật và giải phóng chèn ép thần kinh sớm, yếu tố quan trọng giúp phục hồi chức năng cột sống sau phẫu thuật.




Kim Điều

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức