TIN TỨC BỆNH VIỆN

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD – Chronic Obstructive Pulmonary Disease)
[ Cập nhật vào ngày (14/10/2019) ]
BSCKI. Triệu Anh Đệ, Trưởng khoa Nội Tổng hợp.
BSCKI. Triệu Anh Đệ, Trưởng khoa Nội Tổng hợp.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh lý hô hấp thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến người cao tuổi suy sụp về tinh thần, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống vì phải điều trị suốt đời.


Hiện nay, người Việt Nam mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh này đang có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường gia tăng. Thống kê cho thấy, bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm 25% - 35% số giường trong các khoa hô hấp. Căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Nhưng với sự vượt bậc về y tế, bác sĩ chuyên khoa có nhiều phương pháp để điều trị, phòng ngừa bệnh, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, kiểm soát được bệnh ở giai đoạn ổn định, ngăn ngừa biến chứng.

Điều dưỡng chăm sóc ca bệnh COPD tại khoa Nội Tổng hợp.

Để nắm vững các thông tin về bệnh lý, mời các bạn tìm hiểu bệnh COPD cùng BSCKI. Triệu Anh Đệ - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ:

CÂU 1: BÁC SĨ CÓ THỂ CHO BIẾT BỆNH PHỔI TẮC NGHẸN MẠN TÍNH LÀ GÌ?

Bệnh phổi nghĩa là bệnh lý mà nơi tổn thương là ở phổi. Tắc nghẽn nghĩa là ta thở ra (hít vào thì chủ động, thở ra là thụ động) hơi thở như nghẹn lại, nặng nề trong lồng ngực, cần gắng sức để thở ra – để đẩy khí ra ngoài (mà người bình thường thở ra rất dễ dàng).

Mạn tính nghĩa là kéo dài, đi theo năm tháng và gần như suốt cuộc đời người bệnh.

Tóm lại: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh tổn thương tại phổi, gây cho ta khó thở - nhiều ở thì thở ra và nó gắng với người mắc phải bệnh, ngày một nặng dần, nặng dần rồi một ngày nào đó, ta đành để nó mang ta về bên kia thế giới.

CÂU 2: MỨC ĐỘC NGHIÊM TRỌNG CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH NHƯ THẾ NÀO, THƯA BÁC SĨ?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây bệnh tật và tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Ở Việt nam, tỉ lệ mắc chung là 4,2% (ước tính: dân số Việt Nam # 96 triệu x 4,2% = 4 triệu 32 ngàn người trên cả nước, ta có 63 tỉnh thành, trung bình mỗi tỉnh có # 64.000 người mắc bệnh) – một con số không nhỏ.

CÂU 3: VẬY AI LÀ NGƯỜI DỄ MẮC BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH?

Không phải ai cũng có nguy cơ bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chỉ có một số nhóm người sau:

Một là: Hút thuốc lá ngày 20 điếu, kéo dài trên 10 năm trở lên hoặc hút ngày 10 – 15 điếu, kéo dài trên 20 năm trở lên. Ví dụ: Nếu tôi hút thuốc lá năm 20 tuổi, mỗi ngày tôi hút 01 gói, đến năm 40 tuổi – tôi thuộc nhóm nguy cao rồi nhé!

Lưu ý là, người ngửi thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh. Người hút thuốc lá thụ động là người sống chung, gần gũi thường xuyên với người hút thuốc lá, hít phải khói thuốc.

Hai là: Người làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khí độc hại: ô nhiễm không khí do khói bụi, khai thác đá, hầm mỏ, thợ mộc…

Ba là: Bệnh do thiếu men alpha 1- antitrypsin, viêm phế quản mạn, nhiễm trùng hô hấp nặng tái đi tái lại nhiều lần ở thời niên thiếu…

CÂU 4: THEO BÁC SĨ, KHI NÀO BỆNH NHÂN CẦN ĐI KHÁM ĐỂ ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH?

- Khi bạn vào tuổi trung niên ( >= 40 tuổi), bạn có hút thuốc lá hoặc ở trong môi trường ô nhiễm (khói, bụi, khí độc).

- Bạn có 03 triệu chứng kèm theo: Ho, khạc đàm và khó thở.

+ Ho: thường về sáng khi thức dậy và kèm khạc đàm, ho nhiều và nặng hơn về mùa lạnh, có những đợt nhiễm khuẩn hô hấp tăng dần theo thời gian.

+ Khạc đàm: thường dịch nhày trong, lượng ít, khi bị nhiễm khuẩn thì đàm chuyển sang màu đục hay mủ.

+ Khó thở: đây là triệu chứng kín đáo, xuất hiện âm thầm và nặng dần theo thời gian.

Để nhận ra khó thở: Bạn có thể nhận thấy tại sao năm nay mình làm việc mau mệt, khả năng gắng sức của mình giảm so với những năm trước nhanh như vậy? Hay bạn đi lên 02 tầng lầu đã thấy mệt… hay một ngày kia gặp lại người bạn cùng trang lứa (cùng tuổi) cùng nhau đi trên đường bằng mà ta luôn không đi kịp họ và đôi lúc phải dừng lại để thở... Nhưng khi đi lên dốc nhẹ cũng mệt, thay một chiếc áo cũng phải khó thở. Lúc này, bạn cần phải khám bệnh ngay mới được.

CÂU 5: THƯA BÁC SĨ, LÀM CÁCH NÀO ĐỂ BỆNH NHÂN PHÁT HIỆN CHÍNH XÁC BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH?

Đơn giản lắm, bạn có thể đến khám ở các tuyến sau:

  • Tuyến xã/phường: Ghé trạm y tế (nơi mà trạm có dụng cụ đo lưu lượng đỉnh – Lưu lượng đỉnh kế) – để hướng dẫn chẩn đoán ban đầu cho bạn.
  • Hoăc tuyến quận/huyện: Nơi có thể đo được hô hấp ký (Máy đo chức năng hô hấp) để chẩn đoán và điều trị cho bạn.
  • Hoặc đến bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa Hô hấp sẽ chẩn đoán xác định cho bạn.
  • Bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Lầu 1, Khu khám Nội, phòng số 14, chúng tôi sẽ xác định chẩn đoán cho bạn.

Chúng tôi xin thông tin thêm, sang năm 2020, Khoa Nội Tổng hợp sẽ có những đợt tầm soát miễn phí Bệnh Hen và Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính. Các bạn theo dõi thông tin trên trang facebook Bệnh viện để theo dõi thêm nhé!

CÂU 6: VẬY HẬU QUẢ CỦA BỆNH NHƯ THẾ NÀO NẾU KHÔNG PHÁT HIỆN BỆNH KỊP THỜI?

Nếu các bạn không điều trị hợp lý, bạn sẽ sớm rơi vào tình trạng khó thở, có thể bạn phải phụ thuộc vào khí oxy (do suy hô hấp mạn tính) hoặc bạn không thể tự chăm sóc bản thân được nữa (do giai đoạn nặng của bệnh kèm theo tuổi tác cao và nhiều bệnh khác kèm theo) nó sẽ bám lấy cuộc sống đến cuối đời của bạn.

Nhưng bạn hãy an tâm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh có thể dự phòng và điều trị được nếu như xây dựng được các thói quen tốt.

+ Bạn không muốn bị bệnh: Hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có đến 09/10 người do hút thuốc lá.

+ Muốn điều trị được bệnh: Phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị, phải hiểu kỹ về bệnh và các triệu chứng của bệnh gây ra.

CÂU 7: XIN BÁC SĨ ĐỆ CHO BIẾT ĐIỀU TRỊ BỆNH COPD NHƯ THẾ NÀO?

Điều trị bệnh COPD cũng không quá phức tạp. Đa phần, bạn có thể theo hướng dẫn điều trị tại nhà. Bạn chỉ đến nhập viện trong những cấp có đợt triệu chứng tăng nặng mà liều thuốc hằng ngày không khống chế được.

Để điều trị bệnh đạt hiệu quả cao, bạn cần phải hiểu về bệnh, cách sử dụng thuốc, biết cách tự đánh giá các triệu chứng và xử lý các tình huống khi triệu chứng nặng lên. Điều quan trọng là bạn hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn. Bởi trong một vài trường hợp, các triệu chứng của bệnh có thể giống với các bệnh lý khác.

Xin chân thành cảm ơn BSCKI. Triệu Anh Đệ, Trưởng khoa Nội tổng hợp!

 




Truyền thông

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức