TIN TỨC BỆNH VIỆN

BỆNH NHÂN CẦN BIẾT NHỮNG GÌ TRƯỚC PHẪU THUẬT?
[ Cập nhật vào ngày (15/10/2019) ]
Nhân viên khoa PT - GMHS đang thực hiện phương pháp gây mê Nội khí quản.
Nhân viên khoa PT - GMHS đang thực hiện phương pháp gây mê Nội khí quản.

Bệnh nhân mỗi khi phải mổ thường rất sợ đau và thường hay đưa ra câu hỏi: “Thế mổ có đau không?”. Để hiểu rõ bác sĩ đã làm gì để giúp bệnh nhân không đau trong khi mổ, chúng ta tìm hiểu thế nào là gây tê, thế nào là gây mê.


  • GÂY MÊ CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG BÁC SĨ?

Gây tê hay gây mê đều là những phương pháp dùng thuốc làm cho bệnh nhân mất cảm giác đau tạm thời trên một phần hay toàn bộ cơ thể, phục vụ cho một số biện pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật.

Gây tê là phương pháp dùng thuốc tê tác dụng lên một chỗ nhỏ hay một vùng của cơ thể. Trong suốt quá trình phẫu thuật, người bệnh vẫn tỉnh táo.

+ Đối với những phẫu thuật nhỏ, ít xâm lấn, thời gian thực hiện ngắn, Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê ngay tại vị trí phẫu thuật để làm mất cảm giác đau tại vùng đó, gọi là phương pháp gây tê tại chỗ.

+ Đối với những phẫu thuật lớn hơn như một số phẫu thuật vùng bụng dưới, chi dưới, chi trên,… Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp gây tê vùng như tê tủy sống, tê ngoài màng cứng, tê đám rối thần kinh,…

Gây mê là làm cho bệnh nhân mất tri giác tạm thời dưới tác dụng của một hay nhiều loại thuốc mê do đó bệnh nhân sẽ mất cảm giác đau và các phản xạ thần kinh trong giai đoạn gây mê. Phương pháp này được áp dụng trong các phẫu thuật lớn như phẫu thuật vùng bụng trên, phẫu thuật lồng ngực, tim mạch, phẫu thuật thần kinh,… Có nhiều phương pháp gây mê như: gây mê tĩnh mạch, gây mê Mặt nạ thanh quản, gây mê Nội khí quản,…

Trước mỗi cuộc mổ, Bác sĩ gây mê sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng người bệnh và cùng phẫu thuật viên bàn bạc chọn một phương pháp vô cảm thích hợp nhất tùy theo loại phẫu thuật, vùng mổ lớn hay nhỏ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, kết quả xét nghiệm tiền phẫu,…

 Nhân viên khoa PT - GMHS đang thực hiện phương pháp gây mê Nội khí quản.

  • GÂY MÊ CÓ LÀM MẤT TRÍ NHỚ HAY KHÔNG?

Gây mê không làm mất trí nhớ. Các nghiên cứu so sánh giữa hai nhóm có và không có gây mê, thấy rằng gây mê không làm mất trí nhớ ở người trưởng thành và trẻ lớn trên 2 tuổi. Chúng tôi có nhiều bệnh nhân sau gây mê để mổ vẫn linh hoạt và nhớ rất rõ những gì xảy ra khi nằm bệnh viện, đến nhiều năm sau vẫn kể rất chính xác mà còn hài hước nữa chứ.

  • CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI PHẪU THUẬT?

Trước khi phẫu thuật, người bệnh cần làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng quan trọng của cơ thể. Với những người bệnh có bệnh mạn tính thì cần kiểm tra kỹ hơn rất nhiều. Bác sĩ phẫu thuật và gây mê sẽ hội ý với nhau về từng trường hợp trước khi quyết định mổ để đưa ra kế hoạch phẫu thuật và gây mê hồi sức phù hợp nhất.

Người bệnh cần nhịn ăn trước mổ 6 tiếng và nhịn uống nước lọc 2 tiếng trước gây mê. Nhiều người cho rằng cần ăn thật nhiều để lấy sức ngay trước khi mổ. Điều này là hoàn toàn sai! Nếu có thức ăn trong dạ dày, khi gây mê thức ăn và dịch vị có thể trào ngược lên sẽ làm tắc đường thở lập tức và gây nên tình trạng viêm phổi hít rất nặng nề. Do đó, việc nhịn ăn uống trước mổ theo đúng quy trình là rất quan trọng.

Người bệnh cũng cần thông báo với bác sĩ thông tin chính xác bệnh lí và các loại thuốc đang sử dụng hoặc các triệu chứng bất thường như sốt, ho, đau bụng tiêu chảy, … để có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất trước mổ.

Bệnh nhân cũng cần ngủ đủ giấc, chuẩn bị tâm lí thoải mái, tránh lo âu căng thẳng vì có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật.

Cuối cùng, người bệnh nên tắm rửa, vệ sinh cơ thể trước mổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế để giúp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sau mổ.

  • TẠM KẾT

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị cần thiết đối với nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, nó cũng gây ra không ít lo lắng và sợ hãi cho người bệnh. Bác sĩ gây mê hồi sức là người sẽ đồng hành và đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt quá trình chuẩn bị trước mổ, trong mổ và hồi sức sau mổ. Hãy thoải mái trao đổi, chia sẻ những lo lắng của mình và tuân thủ quy trình chuẩn bị trước mổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế để có được cuộc phẫu thuật an toàn và thành công!         




Bài, ảnh: BS. Ngô Duy Thái - BS. Trần Thị Thảo Linh, Khoa PT-GMHS

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức