TIN TỨC BỆNH VIỆN

BỆNH VIÊM CỘT SỐNG DÍNH KHỚP VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT
[ Cập nhật vào ngày (07/05/2021) ]

Chúng ta thường hay không quan tâm cứ nghĩ là đau lưng do ngồi lâu hay đơn giản là thoái hóa nên đã bỏ sót nhiều nguyên nhân bệnh. Một trong số các nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ đó là bệnh viêm cột sống dính khớp. Dưới đây là một số điều bạn có thể tham khảo về bệnh viêm cột sống dính khớp.


👉Bệnh viêm cột sống dính khớp là gì?

Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm hệ thống mạn tính với tổn thương nổi bật ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp trục và kèm theo có thể có những tổn thương ở khớp ngoại vi và toàn thân. Bệnh có thể tiến triển dính cứng khớp và cột sống và những biến chứng khác với nguy cơ tàn phế cao.

Bệnh thường khởi phát trong độ tuổi thiếu niên và người trẻ tuổi, từ 15 đến 45 tuổi. Bệnh thường gặp ở nam nhiều với tỉ lệ nam/nữ là 2 – 3/1.

👉Nguyên nhân:

- Yếu tố di truyền.

- Yếu tố môi trường: Nhiễm trùng, stress cơ học, hút thuốc lá, thiếu hụt Vitamin D, khẩu phần ăn giàu tinh bột.

👉 Triệu chứng:

- Đau vùng thắt lưng ít nhất 3 tháng, thường đau vào ban đêm và sáng sớm, đau không giảm khi nghỉ ngơi, cải thiện khi vận động. Cứng khớp, cứng cột sống vào buổi sáng sau khi ngủ thức dậy.

- Hạn chế vận động cột sống thắt lưng các tư thế, có nghiệm pháp schober dương tính.

- Giảm độ giãn lồng ngực (so với mức độ bình thường ở người cùng giới và cùng độ tuổi).

- Các triệu chứng khác thường gặp như: sưng đau các khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân, sưng đau các điểm bám gân, viêm ngón…

👉 Cận lâm sàng:

- Xét nghiệm:

+ Công thức máu có thiếu máu.

+ Máu lắng, CRP thường tăng.

+ HLA_B27 dương tính (HLA_B27 có tỉ lệ dương tính trong viêm cột sống dính khớp khoảng 85–90%).

- Chẩn đoán hình ảnh:

+ X_Quang khung chậu: Có hình ảnh viêm khớp cùng chậu như hẹp khe khớp, bào mòn, đặc xương, dính khớp cùng chậu hoàn toàn.

+ X_Quang cột sống: Cột sống mất đường cong sinh lý, xuất hiện cầu xương ở cột sống. Cột sống có hình ảnh giống “đường ray”, “thân cây tre”.

+ X_Quang khớp ngoại vi: Có thể thấy hẹp khe khớp, dính khớp, gai xương ở các điểm bám gân, dây chằng quanh khớp.

+ MRI khớp cùng chậu: Có hình ảnh phù tủy xương, viêm bao khớp, viêm khe khớp, bào mòn, đặc xương, tạo xương mới, dính khớp.

👉 Điều trị:

*️ Không dùng thuốc:

- Bệnh nhân cần được giáo dục nhằm hiểu biết đầy đủ về bản chất của bệnh và yêu cầu điều trị lâu dài, điều chỉnh dinh dưỡng, có lối sống và tập luyện thích hợp. Bệnh nhân cần được tư vấn việc cai rượu và hút thuốc lá cũng là biện pháp không dùng thuốc, tư vấn bệnh nhân tránh các tư thế không tốt cho cột sống, tư vấn hướng dẫn bệnh nhân tập các bài vận động liệu pháp duy trì tư thế cột sống và khớp ở tư thế cơ năng thích hợp như nằm ngủ trên giường, nệm cứng, gối đầu thấp, tránh nằm võng, không ngồi xổm, tránh mang vác nặng.

- Trong giai đoạn bệnh tiến triển cấp tính bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng.

- Khuyến cáo bệnh nhân tham gia các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đi xe đạp.

- Ngoài ra bệnh nhân có thể kết hợp điều trị vật lý trị liệu để giảm đau như chiếu tia hồng ngoại, siêu âm, xoa bóp... Cần lưu ý khi bệnh nhân có dính cột sống nặng hoặc loãng xương nặng tránh kéo nắn cột sống vì có thể có nguy cơ gãy cột sống.

*️ Nội khoa:

- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS) là thuốc đầu tay.

- Thuốc chống thấp làm thay đổi bệnh (DMARD) cổ điển.

- Thuốc DMARD sinh học.

*️ Ngoại khoa:

- Thay khớp nhân tạo khi có dính cứng khớp gây ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động.

- Đối với cột sống phẫu thuật chỉnh hình rất hạn chế.

👉 Theo dõi:

Theo dõi thường xuyên định kỳ trong quá trình điều trị, xét nghiệm công thức máu, máu lắng, CRP, chức năng gan thận mỗi 2–4 tuần trong 3 tháng đầu, sau đó mỗi 2–3 tháng và có thể lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh.




BS. Thạch Thị Vui – Khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức