TIN TỨC BỆNH VIỆN

CẦN BIẾT VỀ THOÁI HÓA KHỚP
[ Cập nhật vào ngày (04/12/2019) ]

Thoái hóa khớp được xem là một căn bệnh của thời đại. Khi tuổi thọ của người dân được nâng cao từng ngày cũng sẽ kéo theo một số lượng không nhỏ người lớn tuổi bị thoái hóa khớp. Theo thống kê tại Hoa Kì, có khoảng 40% người trên 60 tuổi có thoái hóa khớp.


Thoái hóa khớp là bệnh khớp phổ biến nhất, xuất hiện khi các sụn bao bọc phần đầu của các xương bị bào mòn dần theo thời gian. Về nguyên tắc, mọi khớp đều có thể bị thoái hóa, tuy nhiên hay gặp nhất là: khớp gối, khớp háng, các khớp tay, hông và cột sống.

Một trường hợp về thoái hóa khớp.

Yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp là gì?

Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân dễ bị thoái hóa khớp, bao gồm:

  • Lớn tuổi
  • Nữ giới
  • Béo phì
  • Từng bị chấn thương khớp
  • Thường xuyên tác động lực mạnh lên khớp
  • Di truyền
  • Dị tật khớp
  • Một số bệnh lí chuyển hóa như ứ sắc mô, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp,…

Triệu chứng của thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp có rất nhiều triệu chứng. Đặc điểm của các triệu chứng này là diễn tiến từ từ và nặng dần theo thời gian. Một số triệu chứng thường gặp gồm:

  • Đau khớp: thường xảy ra khi vận động hoặc sau khi vận động. Có thể đau khi ấn vào khớp hoặc vùng xung quanh khớp.
  • Cứng khớp: thường dễ được nhận ra nhất lúc vừa ngủ dậy hoặc sau khi bất động một thời gian
  • Giảm khả năng vận động của khớp: bệnh nhân không thể di chuyển hết biên độ vận động vốn có của một khớp, như không thể đưa tay lên cao quá đầu,…
  • Tiếng lạo xạo khớp: xuất hiện khi cử động khớp, đây là một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của thoái hóa khớp.
  • Ngoài ra còn một số dấu hiệu như sưng khớp, gai xương được phát hiện trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu đau hoặc cứng khớp, giảm khả năng vận động khớp thì cần đến khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Cần phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán thoái hóa khớp?

Trong phần lớn trường hợp, cần phải chụp phim X-Quang khớp để chẩn đoán thoái hóa khớp. Trong một số trường  hợp khó hơn, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kĩ thuật cao như chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lí khớp khác.

Điều trị thoái hóa khớp gồm những gì?

Để điều trị tốt thoái hóa khớp, cần phải kết hợp cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Các biện pháp không dùng thuốc gồm có:

  • Vận động thể lực khoảng 20-30 phút/ngày, chọn các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, yoga
  • Giảm cân: cân nặng tạo ra một sức ép lớn lên khớp, vì vậy việc giảm cân sẽ làm giảm áp lực lên khớp từ đó giảm đau đối với người bệnh.
  • Ngủ đủ giấc

Một số thuốc hay dùng để điều trị thoái hóa khớp gồm có:

  • Paracetamol: tác dụng giảm đau.
  • Thuốc kháng viêm không streroid: được xem là “hòn đá tảng” để điều trị bệnh đau khớp. Khi sử dụng nhóm thuốc này cần thận trọng phải theo chỉ định của bác sĩ.
  • Corticoid: có thể được xem xét khi bệnh nhân có một đợt viêm khớp cấp.
  • Các loại thuốc cải thiện triệu chứng đau như: glucosamin, diacerein, piascledin sẽ làm chậm quá trình diễn tiến bệnh.

Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ có thể xem xét các loại thuốc tiêm nội khớp.

Như vậy, thoái hóa khớp là một bệnh có thể điều trị được. Tuy nhiên, cần hiểu rằng mục tiêu điều trị là kiểm soát đau và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh chứ không thể đảo ngược quá trình thoái hóa của khớp. Vận động thường xuyên, duy trì cân nặng lí tưởng và dùng một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định có thể làm chậm quá trình thoái hóa và giúp cải thiện chức năng và cấu trúc của khớp.




ThS.BS. Mã Vĩnh Đạt, Khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức