TIN TỨC Y TẾ

BẢN LĨNH NGƯỜI THẦY THUỐC (Bài 1: CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG TRÊN TRẬN ĐỊA COVID-19)
[ Cập nhật vào ngày (01/03/2021) ]

Hơn một năm qua, ngành Y tế cả nước nói chung và Y tế Cần Thơ nói riêng phải căng mình chống dịch bệnh. Trong cuộc chiến với COVID-19, những chiến sĩ áo trắng đã lao vào trận địa. Những cụm từ trong các chỉ đạo phòng, chống dịch: truy vết, khẩn trương, “thần tốc”… đã thôi thúc họ vượt lên tuyến đầu, chấp nhận đối mặt với rủi ro, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ, viết lên những trang sử vẻ vang cho ngành Y.


Ðại dịch COVID-19 là “kẻ thù” mới hoàn toàn và không một quốc gia nào có kiến thức, kinh nghiệm ứng phó với nó. Vũ khí của những chiến sĩ áo trắng là sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và góp phần duy trì phát triển kinh tế đất nước.

 

Hy sinh thầm lặng

Các thầy thuốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tiếp nhận ca COVID-19.

Trong những ngày đầu khi được giao nhiệm vụ là bệnh viện (BV) chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Cần Thơ, tập thể thầy thuốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ dù rất lo lắng nhưng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bác sĩ Hứa Trung Tiếp, Phó Giám đốc BV, chia sẻ: “Ngày 24-3-2020, BV tiếp nhận điều trị ca COVID-19 đầu tiên. Trước đó, mọi công tác chuẩn bị từ tập huấn điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn… đến mặc đồ bảo hộ đều được thực hiện chu đáo, cẩn thận. Khi Ban Giám đốc phát động lập các ê-kíp điều trị COVID-19, nhiều y bác sĩ đã xung phong lên tuyến đầu. Họ đều biết sẽ rất gian nan, nguy hiểm, nhưng niềm tin đã tạo động lực giúp đội ngũ thầy thuốc lập kỳ tích”.

Có dịp trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hùng Thanh Tùng mới thấy được nhiệt huyết và tấm lòng người thầy thuốc. Anh đã truyền “lửa” cho cả ê-kíp trong những ngày đầu trên trận địa mới - chống giặc COVID-19.  Ngày bác sĩ Tùng tiếp nhận nhiệm vụ, vợ anh đã mang thai 35 tuần, hai bên gia đình đều ở xa, chị một mình lẻ bóng trong căn phòng trọ. Những đồng nghiệp của bác sĩ Tùng thay nhau động viên vợ anh. Ca điều trị đầu tiên khỏi bệnh, bác sĩ Tùng cũng kết thúc 28 ngày cách ly theo quy định, anh sum họp cùng vợ sau những ngày xa cách. Vợ chồng ôm nhau, mắt nhòa lệ. Hình ảnh ấy đã viết nên câu chuyện rất đẹp về sự hy sinh của người thầy thuốc.

Sau ê-kíp của bác sĩ Tùng, còn 4 ê-kíp khác của BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ thay nhau điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Mỗi ê-kíp trực xuyên suốt 14 ngày điều trị. Sau đó, họ phải cách ly tập trung thêm 14 ngày tại Trung đoàn Bộ binh 932 rồi mới trở về gia đình, cộng đồng. Lý giải việc không để một ê-kíp điều trị xuyên suốt cho bệnh nhân, bác sĩ Hứa Trung Tiếp cho biết: “BV chia ra nhiều ê-kíp thay nhau điều trị để giảm áp lực tâm lý cho người thân của các y bác sĩ. Ðồng thời cho anh em có thời gian nghỉ ngơi, vì kéo dài thời gian điều trị, nguy cơ sơ suất, lây nhiễm từ bệnh nhân càng cao. Chỉ một sơ suất nhỏ, một người bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cả ê-kíp và BV”.

Trong 10 ca COVID-19 điều trị ở BV thời gian qua, có bệnh nhân mắc bệnh lý nền, người thì tâm lý hoảng loạn... nên các thầy thuốc ngoài việc nghiên cứu tài liệu, trao đổi với các đồng nghiệp để tìm ra cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, còn phải liên tục động viên bệnh nhân và gia đình yên tâm điều trị, chăm lo cho bệnh nhân từng miếng ăn, giấc ngủ... Vì vậy, nhiều ca bệnh xuất viện, họ lưu luyến lúc chia tay vì cảm mến sự tận tụy của thầy thuốc.

Theo các bác sĩ ở BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, trong những ca bệnh, nhớ nhất là chuyên gia người Nga (bệnh nhân 1095). Bệnh nhân không biết tiếng Anh, tiếng Việt, nên mọi trao đổi đều phải nhờ qua phiên dịch của công ty ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bệnh nhân 1095 trải qua 11 lần xét nghiệm SARS-CoV-2, thời gian điều trị kéo dài hơn 1 tháng, nên ê-kíp điều trị khá vất vả. Nhưng bằng bản lĩnh và niềm tin vào y thuật nước nhà, các bác sĩ ở BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã điều trị thành công cho các ca mắc COVID-19.

Chung sức xông pha

Trong cuộc chiến chống COVID-19, ít người dân biết đến nhiệm vụ của những cán bộ y tế làm công tác dự phòng. Nhưng hơn một năm qua, hình ảnh người làm công tác dự phòng được khắc họa đậm nét hơn, họ quan trọng không kém những bác sĩ điều trị. Anh Hà Minh Hùng, cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, kể: “Nghe tới COVID-19, ai cũng dội. Nhưng với chúng tôi, những cán bộ làm công tác dự phòng vẫn lao vào nhiệm vụ, vì trách nhiệm của người thầy thuốc. Bên cạnh đó, các ban, ngành đoàn thể, người dân, cấp trên rất ủng hộ nên mình có động lực làm việc”.

Nhân viên CDC Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 công dân từ nước ngoài về cách ly tập trung.

Hồi trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, nhiều người dân Việt Nam còn xa lạ với căn bệnh này, thì ngành Y tế TP Cần Thơ đã kích hoạt hệ thống phòng dịch. Cán bộ kiểm dịch của CDC Cần Thơ được điều động lên sân bay đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế những hành khách từ các tỉnh có dịch của Trung Quốc về. 

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 có lẽ là cái Tết đáng nhớ với tất cả các cán bộ làm ở Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch Y tế quốc tế, CDC Cần Thơ. Anh Hà Minh Hùng quê ở Sóc Trăng, vợ anh ở huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ. Bận rộn với công việc, Hùng động viên vợ về nhà đón Tết cùng gia đình, còn anh ở lại trực, chờ những chuyến bay, có điện thoại, anh lên sân bay để làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho hành khách, hướng dẫn khai báo y tế. Những chuyến bay quốc tế, trong điều kiện phòng dịch, thường xuyên hoãn chuyến khiến Hùng và các anh, em ở sân bay Cần Thơ nhiều phen vật vờ chờ đợi. Món ăn suốt ngày Tết của Hùng nhiều nhất có lẽ là mì ly. Hùng tâm sự: “Lúc đó thông tin về dịch bệnh rất khiêm tốn, cũng chưa biết thế nào nên để đảm bảo an toàn cho gia đình, mình tự tạm cách ly cho chắc ăn”...

Và Tết Tân Sửu 2021 cũng vậy, đội ngũ những chiến sĩ áo trắng cũng “thần tốc” truy vết tìm các F1, F2 của các ca COVID-19 trong cộng đồng và các trường hợp về từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh... để lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn khai báo y tế, cách ly...

Không chỉ những thầy thuốc tiếp xúc trực tiếp các ca mắc COVID-19, mà bộ phận xét nghiệm cũng đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm. Mỗi lần đi lấy mẫu xét nghiệm, nhiều anh chị chỉ ăn nhẹ, không dám uống nhiều nước vì mặc đồ bảo hộ. Trong bộ đồ phòng hộ, mồ hôi tuôn ra như tắm, cổ họng khát khô. Ðó là chưa kể khó khăn khi lấy mẫu dịch hầu họng xét nghiệm cho người về từ vùng dịch. Trẻ em thì hay khóc, ho; người lớn khi lấy mẫu xong, họ ho, khạc... nên nguy cơ lây rất cao cho người thực hiện nhiệm vụ. Vất vả là vậy, nhưng những chiến sĩ CDC Cần Thơ không quản ngày đêm, họ nhanh chóng đưa các mẫu về xét nghiệm để có kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác cách ly, khoanh vùng, truy vết và dập dịch.

Có thể thấy, nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị TP Cần Thơ, mà chủ lực là đội ngũ trong ngành Y tế thành phố. Từ con số không trước cuộc chiến COVID-19, đến nay Cần Thơ đã có 3 BV được xét nghiệm khẳng định COVID-19 và 4 BV thực hiện xét nghiệm sàng lọc, 4 BV đủ năng lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Cần Thơ có 2 khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, 1 cơ sở cách ly tập trung tại nơi lưu trú. Ngoài ra, mỗi quận, huyện đều có khu cách ly tập trung. BV Ða khoa TP Cần thơ cũng tham gia cách ly y tế, điều trị ca COVID-19 nghi ngờ có bệnh lý nền; BV Ung bướu TP Cần Thơ điều trị ung thư cho người cách ly tập trung; BV Phụ sản đỡ đẻ cho sản phụ cách ly tập trung; BV Ða khoa Ô Môn khám thai, siêu âm cho phụ nữ mang thai cách ly tập trung... Tất cả đều sẵn sàng để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả cao nhất.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Khẳng định vị thế trung tâm y tế vùng

 

 




H. HOA - BÁO CẦN THƠ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Sebagian besar pencarian tumpukan pola dari tampilan terkini ini kemungkinan besar adalah peraturan yang terkait dengan replika rolex swiss richard mille .

This website strongly recommends: www.iapac.to http://www.wannawatches.com