TIN TỨC BỆNH VIỆN

NGUY HIỂM TỪ ÁP XE VÙNG CỔ
[ Cập nhật vào ngày (05/08/2022) ]

Áp xe vùng cổ là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện điển hình như nổi hạch, sưng to gây đau nhức đôi khi kèm sốt. Tuy nhiên, bệnh nhân thường chậm trễ điều trị, đến khi ổ áp xe tổn thương lan rộng dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng do chèn ép vào đường thở.


Dưới đây là một hình ảnh ổ áp xe trên cổ phải bệnh nhân bị vỡ mủ. Rất may bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và được phẫu thuật nên chưa xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Đó là trường hợp của chị N. T. T. E (44 tuổi, quê ở Kế Sách – Sóc Trăng), có bệnh lý đái tháo đường tuýp 2. Bệnh nhân không có tiền sử hóc xương, không có tiền sử bệnh lý tuyến giáp trước đó. Bệnh nhân có biểu hiện nuốt đau, kèm sưng nề vùng cổ phải, sờ thấy khối cứng, sẫm màu. Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính vùng cổ cho kết quả vùng cổ phải có ổ mủ. Bệnh nhân được tiến hành mổ cấp cứu dẫn lưu ổ áp xe tránh gây biến chứng chèn ép đường thở và tránh gây nhiễm trùng lan tỏa vào trung thất, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện tại, tình trạng nhiễm trùng đã được điều trị ổn định sau khi phẫu thuật nhưng cần phải chăm sóc thay băng vết mổ hằng ngày.

Áp xe cổ thường hình thành từ các nhiễm trùng vùng răng, hàm, mặt, cổ, có khả năng lan rộng toàn bộ vùng cổ và có thể xuống trung thất. Những tổ chức mô hay khoang bị viêm có thể tạo thành những ổ áp xe hoại tử hay sinh hơi. Mặc dù kháng sinh đã góp phần làm hạn chế tỉ lệ mắc bệnh, tuy nhiên sự lan tỏa nhanh chóng gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Những yếu tố thuận lợi gây bệnh bao gồm những bệnh nhân có bệnh lý nền như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, đang điều trị kháng viêm corticoid kéo dài…

Nếu không được xẻ tháo mủ, áp xe có thể tự phá vỡ ra da và dò mủ kéo dài hoặc vỡ mủ vào trong, gây tình trạng nhiễm trùng lan rộng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Tình trạng ứ mủ có thể gây ra biến chứng:

– Tại chỗ và khu vực: Áp xe tại vùng cổ.

– Toàn thân: Nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn mủ huyết.

– Áp xe có thể viêm tấy lan rộng nếu bệnh nhân có bệnh mạn tính kèm theo như đái tháo đường, suy gan, suy thận…

– Nguy cơ tử vong cao đối với người già, người bị suy giảm miễn dịch,…

Mục đích của việc điều trị là làm sạch mô hoại tử và dẫn lưu ổ áp xe, xác định vi khuẩn nguyên nhân gây bệnh, kiểm soát được tình trạng bệnh nhân để tránh gây những biến chứng và sự lan rộng ổ viêm về phía trung thất.

🔷Những điều cần biết sau khi xẻ áp xe?

– Thực hiện uống thuốc và chăm sóc vết thương theo y lệnh của bác sĩ.

– Vệ sinh vết thương, thay băng hằng ngày.

– Tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường để điều trị kịp thời.

– Các dấu hiệu cần tái khám:

+ Sốt 38 độ trở lên.

+ Chỗ tổn thương ngày càng đau.

+ Tấy đỏ hoặc sưng phù lan rộng.

+ Mủ hoặc dịch chảy có mùi hôi từ vị trí xẻ áp xe.




Tổ Truyền thông

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức