TIN TỨC BỆNH VIỆN

BỆNH LÝ LOÃNG XƯƠNG NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
[ Cập nhật vào ngày (17/10/2019) ]

Loãng xương là một trong những bệnh chiếm tỉ lệ cao trong nhóm bệnh lý cơ xương khớp, do dân số ngày càng già hoá, chi phí điều trị đối với bệnh nhân cơ xương khớp chiếm hàng đầu so với các chuyên khoa khác. Đáng nói, bệnh diễn ra thầm lặng, thường phát triển mà các triệu chứng diễn ra mơ hồ nên không ít người vẫn chủ quan…


  • Bệnh lý thầm lặng

Sau một lần té ngã do tai nạn sinh hoạt, bà Đặng Thị H (60 tuổi) quê ở Tân Hiệp – Kiên Giang. Cứ ngỡ chỉ là chấn thương bình thường cho đến khi bà đau đi lại không được. Nhập viện, các bác sĩ cho biết bà bị xẹp đốt sống, biến chứng của bệnh loãng xương. Lúc này, bệnh nhân H chỉ nghĩ là do mình bất cẩn chứ không hề biết hệ xương của mình đang ngày càng “xốp” đi. Cho đến khi bệnh nhân được đo mật độ xương bằng kỹ thuật DEXA (kỹ thuật đo mật độ chính xác, độ tin cậy cao, hiện nay vài bệnh viện trong thành phố Cần Thơ thực hiện được trong đó có BV Đa Khoa TP. Cần Thơ) mới tin là mình bị loãng xương, cũng là lúc bệnh đã trầm trọng rồi. Bệnh nhân bị xẹp đốt sống, thân sống D12, phù tủy xương.

Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Dấu hiệu phổ biến là đau nhức xương khớp và dễ bị gẫy xương. Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương xảy ra thường xuyên nhất ở cổ xương đùi, xương hông, cột sống và cổ tay, nhưng bất cứ xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thống kê cho thấy, 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới sau 50 tuổi sẽ bị mắc bệnh loãng xương. Tại Mỹ, hàng năm có trên 10 triệu người được chẩn đoán loãng xương, trong đó trên 1,5 triệu người bị gãy xương liên quan đến loãng xương. Số liệu thống kê trong vòng 10 năm của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho thấy, trung bình hàng năm có khoảng 140 trường hợp nhập viện vì gãy xương đùi liên quan đến loãng xương. Chi phí bệnh nhân bỏ ra điều trị bệnh loãng xương đứng top đầu của các bệnh lý. Tại khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ Tiếp nhận trung bình 150-200 trường hợp/tháng loãng xương trong các bệnh lý về cơ - xương - khớp.

“Trường hợp cụ thể bệnh nhân Đặng Thị H vào khám bệnh khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp sau lần té ngã nhẹ, sau đó bệnh nhân đi không được do đau. Bệnh nhân được chụp X-Quang và MRI cột sống thắt lưng phát hiện xẹp đốt sống D12 kèm phù tủy xương" - ThS.BS. Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng khoa Nội thần Kinh – Cơ xương khớp thông tin.

Bệnh nhân được đo mật độ xương phát hiện loãng xương nặng, sau đó bệnh nhân được điều trị loãng xương bằng dung dịch truyền, hai ngày sau bệnh nhân giảm đau nhiều, ngồi được nhưng chưa đi được, khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp kết hợp khoa Ngoại Thần kinh bơm xi măng vào đốt sống D12, kết quả thật ngoạn mục, buổi sáng bơm xi măng chiều bệnh nhân đi lại bình thường.

Nhiều người nghĩ rằng bệnh loãng xương là một phần tự nhiên và không thể tránh khỏi của tuổi già. Tuy nhiên, căn bệnh loãng xương hiện đang ngày càng trẻ hóa. Các chuyên gia y tế hiện nay cho biết loãng xương có thể phòng ngừa được. Hơn nữa, những người đã bị loãng xương vẫn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

  • Điều trị loãng xương như thế nào?

Điều dưỡng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp chăm sóc bệnh nhân bị loãng xương.

Bệnh loãng xương thường tiến triển thầm lặng nên chỉ xuất hiện những triệu chứng lâm sàng khi khối lượng xương đã mất 30% mật độ xương. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, khi bị đau nhức ở các khớp xương, cô Ngô Thị Mai L (quận Ninh Kiều – TPCT) chỉ nghĩ mình bị bệnh khớp nên tự mua thuốc giảm đau về uống. Cô L buồn bã: “Đến giờ tôi gần như là “khách hàng thường xuyên” của bệnh viện này. Đây đã là đợt điều trị thứ ba, tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc… Hiện giờ tôi không thể cúi người, cột sống ngày càng biến dạng, đứng lên, ngồi xuống hay đi lại đều phải có người giúp… Hàng ngày tôi phải tập vật lý trị liệu kết hợp với thuốc thang mới có thể khoẻ hơn.

Điều trị nội khoa bệnh loãng xương (không biến chứng) có rất nhiều phương pháp như chỉ định dùng thuốc uống, thuốc truyền. Bình thường, khi sử dụng các thuốc nhóm bisphosphonat dạng uống, bệnh nhân phải uống khi đói, uống nhiều nước, sau khi uống phải ngồi hoặc đứng 30 phút vì thuốc có thể gây viêm thực quản và loét dạ dày.

Dung dịch truyền chống hủy xương được bào chế dạng tiêm truyền trực tiếp vào tĩnh mạch có thể khắc phục được nhược điểm này. Hơn nữa, thuốc chỉ cần truyền 1 lần/năm nên thích hợp với bệnh nhân ngại uống thuốc hoặc những bệnh nhân không thể ngồi uống thuốc được và cũng tránh trường hợp bệnh nhân không tuân thủ điều trị bỏ thuốc giữa chừng. Do đó, thuốc tiêm truyền được các bác sĩ ưa dùng cho bệnh nhân.

“Dung dịch truyền điều trị loãng xương có tác dụng chống hủy xương, tăng mật độ khoáng hóa của xương, được chỉ định điều trị cho tất cả các trường hợp loãng xương. Những chị em phụ nữ sau mãn kinh, phòng ngừa gãy xương lâm sàng và các trường hợp đã gãy xương như gãy cổ xương đùi, xẹp đốt sống, các loại gãy xương khác.

Liều lượng mỗi năm truyền 1 lần. Hiện nay khoa Nội Thần Kinh – Cơ xương khớp Bệnh viện Đa Khoa TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện truyền thuốc loãng xương mang lại hiệu quả cao cho các bệnh nhân lớn tuổi, các bệnh nhân có bệnh lý về xương khớp" - ThS.BS. Nguyễn Văn Phong cho biết thêm.

Việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu để phòng bệnh loãng xương và ngăn ngừa gãy xương. Khi đã bị gãy xương do loãng xương thì càng hết sức thận trọng không để gãy xương tái phát, không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh vấp, ngã. Bệnh nhân cần khám định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo lời hẹn của thầy thuốc.

Muốn phòng bệnh loãng xương, tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, protein, vitamin D. Nên ăn thêm nhiều rau, trái cây, để cung cấp sinh tố và các loại khoáng vi lượng vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương.

Với phụ nữ, nên bổ sung nội tiết tố estrogen sau mãn kinh theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như: tập yoga, đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương để tăng sự dẻo dai của xương khớp. Tránh sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.




Bài, ảnh: Kim Điều

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức