TIN TỨC BỆNH VIỆN

LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG NGỪA ĐỢT CẤP COPD?
[ Cập nhật vào ngày (12/03/2020) ]

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Đáng lưu ý, bệnh sẽ nặng hơn mỗi khi có đợt cấp. Đợt cấp là quá trình tự nhiên trong diễn biến COPD. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bệnh nhân có đợt cấp COPD sẽ có nguy cơ tiếp tục mắc đợt cấp nhiều hơn.


Sau khi xuất hiện đợt cấp, các bệnh nhân COPD thường có chức năng thông khí phổi xấu đi rõ rệt. Bệnh nhân có cảm giác mệt hơn, khó thở nhiều hơn, chất lượng cuộc sống giảm đi nhiều, viêm đường hô hấp gia tăng và tỷ lệ tử vong cao hơn. Do những hậu quả nghiêm trọng như vậy, việc ngăn ngừa đợt cấp là một trong những mục tiêu hàng đầu trong điều trị COPD.

Đợt cấp COPD là gì?

Đợt cấp COPD là một tình trạng bệnh từ giai đoạn ổn định trở nên xấu đi đột ngột ngoài những biến đổi thông thường hàng ngày và đòi hỏi thay đổi cách điều trị thường quy ở người bệnh đã được chẩn đoán COPD. Biểu hiện lâm sàng của đợt cấp COPD là: khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng và/hoặc thay đổi màu sắc của đờm.

Các yếu tố nguy cơ gây ra đợt cấp COPD

  • Tuổi cao
  • Các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch
  • Có sử dụng các thuốc điều trị COPD trước đây
  • Thời gian mắc COPD dài
  • Mức độ nặng của tắc nghẽn đường thở
  • Chất lượng cuộc sống kém
  • Có vi khuẩn thường trú tại đường thở
  • Tiền sử có nhiều đợt cấp
  • Ho khạc đờm thường xuyên, thở rít
  • Sử dụng kháng sinh, corticoid toàn thân

Nguyên nhân nào gây ra đợt cấp COPD?

Nguyên nhân gây ra đợt cấp COPD thường gặp nhất là do nhiễm trùng hô hấp. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như: tắc mạch phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi; Bệnh lý tim mạch như: rối loạn nhịp tim, suy tim cấp; Quá liều oxy; Dùng thuốc an thần, thuốc chẹn beta giao cảm; Không tuân thủ hoặc sử dụng thuốc không đúng cách để điều trị duy trì COPD; Ô nhiễm không khí (khói thuốc, khói bụi nghề nghiệp, …). Ngoài ra còn có khoảng 1/3 số trường hợp không rõ căn nguyên gây ra đợt cấp.

Dự phòng đợt cấp COPD bằng cách nào?

Quản lý tốt COPD

Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Không tự ý ngưng điều trị. Sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Dùng thuốc xịt định liều không đúng cách làm cho thuốc không vào tới phổi bệnh nhân, nên thuốc sẽ không phát huy được tác dụng. Để hạn chế điều này, mỗi lần đi khám, bệnh nhân nên mang theo các bình thuốc xịt định liều để dùng ngay trước mặt nhân viên y tế. Nếu kỹ thuật dùng thuốc không đúng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn lại cách sử dụng đúng.

Bệnh nhân cũng cần tự theo dõi sát các triệu chứng COPD. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy hô hấp, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ đã tư vấn trước đó và đến ngay bệnh viện.

Tránh khói thuốc lá và khói, bụi

Thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân hàng đầu gây COPD. Đây cũng là yếu tố nguy cơ cao của việc xuất hiện đợt cấp. Bên cạnh đó, việc hút thuốc cũng làm chức năng phổi xấu đi nhanh hơn. Do vậy, tất cả bệnh nhân COPD cần ngay lập tức dừng hút thuốc và tránh tiếp xúc khói thuốc. Phải đảm bảo không có khói thuốc lá trong nhà và phòng riêng của người mắc COPD.

Tiếp xúc khói, bụi nghề nghiệp cũng được chứng minh là yếu tố nguy cơ quan trọng của xuất hiện đợt cấp COPD. Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc bắt buộc phải tiếp xúc thì cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.

Bệnh nhân COPD nên tránh đi ra ngoài trong thời điểm không khí ô nhiễm. Nếu đi ra ngoài thì phải đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu. Lưu ý phải chọn khẩu trang có thể lọc được bụi mịn.

Để giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm không khí, không nên sử dụng bếp than tổ ong để nấu nướng; Trong quá trình tham gia giao thông, khi dừng đèn đỏ, hãy tắt các phương tiện giao thông; Công trình xây dựng cần che chắn kỹ; Xe cộ cần kiểm soát phát thải khói bụi.

Tiêm phòng vắc-xin cúm và phế cầu

Bệnh nhân COPD cần được tiêm vắc xin phòng ngừa cúm hàng năm và phế cầu mỗi 5 năm. Vì đây là hai tác nhân phổ biến gây nhiễm trùng đường hô hấp và gây đợt cấp COPD.

Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tránh xa các bệnh viện, nơi đông người tụ họp nhất là trong phòng kín thiếu thông khí. Do mắc các bệnh đường hô hấp trên nền COPD sẽ làm dễ phát triển một đợt cấp COPD.

Giữ vệ sinh cá nhân, nâng cao sức đề kháng của cơ thể

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che mũi miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tránh lạnh đột ngột, không tắm nước lạnh, không cho quạt xoáy vào người, khi nằm ngủ ở phòng máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng 26 -27 độ.

Giữ độ ẩm ở mức an toàn

Vào mùa đông – xuân, không khí thường có độ ẩm rất cao. Đó là điều kiện để vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Đây cũng là yếu tố làm hình thành đợt cấp COPD. Có thể giảm độ ẩm bằng máy hút ẩm hoặc tạo môi trường thông thoáng tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân và phòng bệnh nhân đang ở.

Tập thể dục và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng hô hấp

Bệnh nhân COPD nên tập thể dục hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ. Đi bộ nhanh nhất có thể nhưng đừng chạy và không cần gắng sức quá mức. Thời gian đi bộ từ 30 – 60 phút vào buổi sáng hoặc tối.

Hằng ngày tập hít thở kiểu thở chúm môi: hít vào bằng mũi (mím môi), thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi lại như thổi sáo). Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Nếu hít sâu được thì càng tốt nhưng không cần gắng sức quá. Khi nào khó thở hay vận động thì dùng cách hít thở này. Mỗi ngày ít nhất 3 lần, mỗi lần 15 phút. Sau khi quen rồi có thể dùng cách thở này liên tục hằng ngày.




ThS.BS. Tống Vấn Thùy – Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức