TIN TỨC BỆNH VIỆN

7 THẦY THUỐC GIỎI CHUYÊN MÔN, SÁNG Y ĐỨC
[ Cập nhật vào ngày (26/02/2021) ]

Năm 2020, Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” cho 7 cá nhân tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ có nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đây là một trong những danh hiệu cao quý dành cho những người thầy thuốc “giỏi chuyên môn, sáng ngời y đức”.


1. BSCKII. Trần Bửu Giám – Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ

"Mong muốn đào tạo được đội ngũ cán bộ công chức đủ để đáp ứng cho bệnh viện thời kỳ 4.0 áp dụng tốt các trí tuệ nhân tạo trong công tác khám và điều trị bệnh cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long, thầy thuốc gắng bó dài lâu cùng bệnh viện”.

2. BSCKII. Bùi Văn Đời – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp

3. BSCKII. La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp

Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, một vùng đất miền Trung tuy nghèo khó nhưng giàu truyền thống hiếu học. Lúc còn học cấp 2, khi chứng kiến mẹ bị viêm ruột thừa cấp nhưng không được chữa trị kịp thời nên vết thương bị nhiễm trùng, cậu học sinh nhỏ đã nuôi ý nguyện trở thành bác sĩ để cứu giúp người bệnh.

Mặc dù thời đó tốt nghiệp cấp 3 thủ khoa nhưng cả 3 lần thi vào đại học y khoa điều bị trượt. Nghĩ rằng ước mơ của mình sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Quyết định rời quê hương vào Cần Thơ cùng người anh để lập nghiệp. Lúc mới vào Cần Thơ, bác sĩ La Văn Phú làm công nhân chế biến nước mắm và làm phụ hồ. Dù đi làm công nhân nhưng ước mơ trở thành bác sĩ vẫn chưa tắt, ban ngày đi làm, buổi tối đi học luyện thi. Sau gần 2 tháng miệt mài đèn sách, cuối cùng ông trời đã không phụ lòng và ước mơ ngày nào đã trở thành hiện thực. Năm 1988, bác sĩ La Văn Phú đậu vào khoa Y - ĐH Cần Thơ.

“Để trở thành bác sĩ đã khó nhưng để trở thành một người bác sĩ giỏi về chuyên môn, tốt về y đức được bệnh nhân và đồng nghiệp tin tưởng, tín nhiệm lại càng khó gấp bội. Chỉ cần có sự tận tâm, lòng đam mê với nghề, coi người bệnh như người thân của mình mới có thể yên tâm làm việc được, bởi vì làm nghề này phải chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh bản thân và gia đình” - Bác sĩ La Văn Phú tâm sự. 

Hơn 26 năm theo nghề, với niềm đam mê, sự tận tâm, không ngừng học tập nâng cao tay nghề và y đức, BSCKII. La Văn Phú - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp giữ vai trò chủ lực trong thực hiện công tác chuyên môn, trực tiếp triển khai và thực hiện hầu hết các loại phẫu thuật hiện đại trong lĩnh vực nội soi ngoại tiêu hóa – gan mật và nội soi mật tụy ngược dòng. Nhờ đó chất lượng điều trị của bệnh nhân trong khoa ngày càng đạt hiệu quả tốt. Uy tín và thương hiệu của khoa và bệnh viện ngày càng được nâng cao trong thành phố Cần Thơ và trong khu vực ĐBSCL.

4. BSCKII. Phạm Văn Phương – Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực

Không chỉ là bác sĩ ngoại khoa có tay nghề cao, bác sĩ Phạm Văn Phương còn là người quản lý tốt. Với vai trò là trưởng khoa, bác sĩ Phương luôn cùng các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đoàn kết, nêu cao y đức người thầy thuốc, tận tụy với công việc, hết lòng với bệnh nhân.

Dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Phạm Văn Phương, khoa Ngoại Lồng ngực thực hiện nhiều ca phẫu thuật khó, cứu sống bệnh nhân như: phẫu thuật cấp cứu phình động mạch cảnh bụng vỡ, phình động mạch cảnh bụng có thận hình móng ngựa, phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị u tuyến giáp xâm lấn vào khí quản, phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân vết thương tim,... thực hiện thành công 19 ca phẫu thuật tim hở với sự chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện ĐHYD thành phố Hồ Chí Minh. Thành công này đã giúp người bệnh giảm chi phí điều trị, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và tạo được thương hiệu cho khoa Ngoại Lồng ngực và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

Hiện tại, khoa Ngoại Lồng ngực là một trong những đơn vị đi đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long về lĩnh vực ngoại lồng ngực mạch máu với kỹ thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh, đốt u giáp, điều trị suy dãn tĩnh mạch bằng sóng cao tầng.

“Tôi còn rất trăn trở về vấn đề giữ nguồn nhân lực phục vụ cho khoa, cho bệnh viện trong khi các bệnh viện tư nhân ngày một nhiều và có nhiều chính sách tốt thu hút bác sĩ. Mục tiêu phát triển của khoa ngoại Lồng ngực còn rất nhiều, đặc biệt các kỹ thuật cao chưa triển khai như: đặt stent graft động mạch chủ, phẫu thuật động mạch chủ, phẫu thuật tim nhi... kể cả trong tương lai ghép phổi ghép tim và phẫu thuật nội soi cắt u phổi u trung thất bằng robot” – Bác sĩ Phương chia sẻ.

5. BSCKII. Lưu Ngọc Trân – Trưởng khoa Nội tiết

“Bản thân tôi còn nguyện vọng là làm sao kết nối đội ngũ nhiều chuyên khoa lập thành một nhóm như bác sĩ nội tiết, bác sĩ chấn thương chỉnh hình, bác sĩ can thiệp mạch máu, chuyên gia dinh dưỡng, điều dưỡng chuyên tư vấn và chăm sóc,… để phối hợp với nhau tư vấn cho người bệnh từ dự phòng đến chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân bàn chân đái tháo đương. Bởi, tình trạng đoạn chi do nhiễm trùng chân, do tắc động mạch chi dưới ở người bệnh đái tháo đường còn khá cao, tỉ lệ tử vong sau đoạn chi cũng cao cho thấy vấn đề dự phòng và chăm sóc bàn chân đái tháo đường chưa được quan tâm đúng mức.

Mặt khác, số lượng bác sĩ chuyên khoa nội tiết còn hạn chế, cận lâm sàng phát hiện các bệnh lý chuyên khoa nội tiết hiếm gặp chưa được triển khai nhiều, chỉ tập trung ở các bệnh viên lớn tuyến Trung ương, tuyến thành phố hoặc các bệnh viện chuyên khoa nội tiết,… nên người dân mắc bệnh lý nội tiết hiếm gặp chưa được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thường phải đi khám nhiều nơi, mất nhiều thời gian và tiền của.

Việc lạm dụng corticoid quá nhiều đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho người bệnh. Để giải quyết được thực trạng này cần có sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, quản lý, các bác sĩ đa khoa nên cẩn trọng khi điều trị corticoid tránh gây nghiện cho người bệnh, kiểm tra giám sát y tế tư nhân tuyến quận huyện vì vấn đề lạm dụng corticoid đang diễn ra ngày càng nhiều”. 

6. ThS. Nguyễn Dương Hiển – Trưởng khoa Xét nghiệm


 

“So với mặt bằng chung của toàn thành phố, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vượt trội về số lượng các mặt hàng xét nghiệm, nhiều nơi chưa triển khai phải gởi mẫu đến bệnh viện, như xét nghiệm sinh học phân tử, làm nhiều nhất là đo tải lượng virus viêm gan B, C. Giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bệnh viện được đầu tư máy xét nghiệm COVID-19 và được cấp giấy chứng nhận được phép xét nghiệm khẳng định SAR-COV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Trước năm 2018, các khoa, phòng xét nghiệm của đơn vị y tế chỉ có sự đánh giá của Sở Y tế thành phố vào cuối năm, nhưng nay cần sự đánh giá, công nhận, xếp mức hạng theo quy định của Bộ Y tế. Khoa Xét nghiệm cần được xây dựng đạt chuẩn của Bộ Y tế cũng như hướng tới ISO 15189 - Bộ tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng phòng xét nghiệm. Do đó, cần sự ủng hộ, chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện cũng như sự đồng lòng của tập thể khoa, với mục tiêu tất cả vì người bệnh.

Khi Khoa Xét nghiệm đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí của Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm xuất ra sẽ được sử dụng liên thông ở các đơn vị cùng đạt chuẩn khác. Người bệnh tiết kiệm thời gian làm lại xét nghiệm khi đến khám bệnh ở nhiều cơ sở y tế. Đồng thời, Bệnh viện nâng cao uy tín về chất lượng xét nghiệm cũng như được thu giá dịch vụ xét nghiệm theo mức hạng được xếp. Sau khi đạt chuẩn của Bộ Y tế, BV Đa khoa TP Cần Thơ dự kiến sẽ “chinh phục” chuẩn ISO 15189”. 

7. ĐDCKI. Nguyễn Thị Thanh Xuân – Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Tổng hợp


“Qua hơn 20 gắn bó với nghề điều dưỡng, những buồn, vui trở thành những kỷ niệm đáng nhớ. Tôi quan niệm đã làm công việc về nghề y là phải có tâm huyết và luôn rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn, vì đây là một nghề đặc biệt, đào tạo lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm cao. Trong công việc luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết đối với nghề. Luôn trau dồi học tập nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện đạo đức trong ngành.

Đối với đào tạo đội ngũ điều dưỡng vừa hồng vừa chuyên, tôi mong muốn mỗi điều dưỡng phải biết tự phát triển tay nghề, nâng cao kiến thức, mở rộng sự hiểu biết trong ngành đem đến lợi ích cho mọi người. Đặc biệt phải thể hiện được đúng vai trò của mình trong ngành y học”. 

 




Tổ Truyền thông tổng hợp

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức