TIN TỨC BỆNH VIỆN

NGƯỜI BỆNH HƯỞNG NHIỀU QUYỀN LỢI HƠN KHI THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ
[ Cập nhật vào ngày (01/07/2025) ]

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT (Thông tư số 01) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tư có nhiều điểm mới giúp giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân.


Thông tư số 01 ban hành (thay thế Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được Bộ trưởng Y tế ban hành từ năm 2015) để khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc thời gian qua, đồng thời đồng bộ với các quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT.

Một trong những điểm mới đáng lưu ý của Thông tư số 01 là Bộ Y tế ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao, được 100% mức hưởng BHYT theo quy định được khám và điều trị tại cơ sở y tế chuyên sâu mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến như trước.

Trong đó bao gồm danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu; danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn một năm kể từ ngày ký phiếu chuyển thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch.

Theo Quyết định số 1006/QĐ-SYT ngày 20/11/2024 của Sở Y tế TP. Cần Thơ về xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thuộc cấp chuyên môn sâu. Người dân đến khám tại Bệnh viện được BHYT thanh toán 100% theo quyền lợi BHYT (mức hưởng theo quy định trên thẻ BHYT) mà không cần xin giấy chuyển tuyến theo 62 bệnh theo danh mục công bố tại Thông tư 01/2025/TT-BYT.

Đây là quy định phù hợp trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai; đồng thời là cải cách quan trọng của Bộ Y tế vì thông thường, bệnh nhân BHYT khi chuyển viện sẽ phải chuyển từ cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu qua các cấp theo trình tự, như qua tuyến huyện, rồi tuyến tỉnh mới lên được bệnh viện tuyến Trung ương.

Việc làm thủ tục chuyển tuyến cho những bệnh nhân như trước đây chiếm nhiều thời gian và lãng phí tiền bạc của người bệnh, do mỗi cấp đều phải làm các xét nghiệm, khám chẩn đoán, trong khi có những bệnh yêu cầu phải chuyển ngay để được điều trị càng sớm càng tốt, mà tuyến dưới lại không điều trị được.

Việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh, nhóm bệnh sẽ giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT. Tuy nhiên, để tránh quá tải cho tuyến trên, Thông tư 01 quy định rõ những trường hợp được thông tuyến, như người bị bệnh nan y, bệnh ở tuyến dưới không chữa được. Quy định này cũng buộc y tế tuyến dưới phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để bảo đảm phục vụ người dân.

Thông tư 01 cũng quy định về cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu; việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu; chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT. Đây là các quy định quan trọng để tổ chức quản lý, khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Các quy định được kế thừa trên cơ sở các quy định của Thông tư số 40 và có chỉnh sửa để phù hợp với các quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT.

Đáng chú ý, Thông tư 01 quy định việc sử dụng Phiếu hẹn khám lại, Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng cả bản giấy và bản điện tử nhằm thể chế hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID của Bộ Công An theo nhiệm vụ của Đề án 06/CP của Chính phủ.




(Nguồn: Bộ Y tế)

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức