TIN TỨC BỆNH VIỆN

CAN THIỆP ECMO HỒI SINH BỆNH NHÂN COVID-19 ĐẦY KỲ TÍCH
[ Cập nhật vào ngày (18/10/2021) ]

Nhiều lần bên bờ vực sinh tử, tưởng chừng không qua khỏi, bệnh nhân chạy ECMO đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ được cứu qua khỏi cơn nguy kịch.


Trưa ngày 28/8/2021, Khoa Hồi sức cấp cứu nhận bệnh nhân chuyển tuyến từ Bệnh viện Dã chiến số 2. Đó là bệnh nhân nhiễm COVID-19 tiến triển nặng, thở mask túi. Bệnh nhân tên N. T. L. H, 47 tuổi là nhân viên cấp dưỡng của một trường mầm non trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Bệnh nhân H sống trong khu vực ổ dịch phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Đến ngày 21/8/2021, chị H được xét nghiệm cộng đồng và phát hiện nhiễm COVID-19. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Là người có bệnh nền: Đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, cơ địa béo phì nên chỉ 01 tuần nhập viện, bệnh tình chuyển biến nặng rất nhanh. Nhập khoa ICU Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ ngày thứ 2, bệnh nhân xuất hiện cơn bão Cytokines, tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nhanh, tổn thương phổi ARDS nặng.

Ê kíp điều trị chụp ảnh cùng bệnh nhân.

Đến ngày 7/9 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch. Bệnh viện nhanh chóng hội chẩn với bệnh viện tuyến trên và đưa ra quyết định: Chạy ECMO với hy vọng cứu sống người bệnh. Bác sĩ Trần Quốc Thái, người được giao trọng trách thực hiện kỹ thuật ECMO dưới sự hỗ trợ của lãnh đạo khoa và các bác sĩ, điều dưỡng trong ê kíp, phải làm việc nghiêm túc, theo dõi sát sao, tập trung cao độ vì từng giây, từng phút với người bệnh, kịp thời phát hiện những bất thường trong quá trình chạy ECMO và tham mưu hướng xử lý cho lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện.

Ê kíp thực hiện ECMO gặp không ít thách thức do tình trạng oxy máu của bệnh nhân liên tục đe dọa và giảm nhanh. Nhớ lại khoảnh khắc có những lúc nghĩ rằng bệnh nhân không qua khỏi, Bác sĩ Thái chia sẻ: “Đó là ngày 21/9, kíp trực ECMO nhận thấy bơm ly tâm đột ngột phát ra âm thanh lạ nên khẩn trương xin ý kiến lãnh đạo tiến hành thay bơm và thay huyết tương. Chúng tôi rất căng thẳng bởi đây là ca đầu tiên thực hiện ECMO, thiếu thốn rất nhiều trang thiết bị hỗ trợ. Rất may, sau đó, tình trạng tán huyết cải thiện Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các diễn biến của người bệnh, kịp thời báo cáo xin ý kiến, huy động trí tuệ toàn bộ ê kíp để phán đoán, tiên lượng và có biện pháp hỗ trợ, điều trị người bệnh”.

Ngày thứ 27 thực hiện ECMO, tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi ôxy trong máu đã có tín hiệu tăng dần nhưng phổi vẫn bị tổn thương nặng, đông đặc, xơ hóa. Dần dần, bệnh nhân có sự hồi phục, ôxy trong máu lên, huyết áp ổn định hơn. Ê kíp quyết định dừng an thần để đánh giá ý thức và thấy bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ. Lúc này các bác sĩ mới thở phào vì quyết định can thiệp ECMO đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân.

Sau 36 ngày thực hiện ECMO, lọc máu liên tục, thay huyết tương, hồi sức nội khoa tích cực, kháng sinh phổ rộng thì tình trạng bệnh nhân đã phục hồi dần, chỉ số cận lâm sàng đang cải thiện, đã ngưng ECMO. Hiện, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện các bài tập sau vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và theo dõi tại khoa ICU.

Theo BSCKII. Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID, hầu hết ca nằm tại đây nặng, nguy kịch, có nhiều bệnh lý nền và đã có rất nhiều trường hợp nặng, nguy kịch được cứu sống. Đây là trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được quyết định can thiệp tim phổi nhân tạo.

Với việc cứu sống bệnh nhân COVID-19 rất nặng thành công bằng các kỹ thuật cao như can thiệp ECMO, lọc máu liên tục là bước khởi đầu để các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ có thể làm chủ được kỹ thuật với những ca bệnh tiếp theo và có thêm động lực, quyết tâm trong cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh COVID-19.




Tổ Truyền thông

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức